9.30.2013
8 Bước Giúp bạn thành công trong kinh doanh trên Internet
1. TÌM RA THỊ TRƯỜNG ĐỦ LỚN
Đây là yếu tố đầu tiên và nó quyết định tương lai trong công việc kinh doanh của bạn, bạn sẽ không thể thành công và mọi nỗ lực của bạn sẽ vô nghĩa nếu bạn lựa chọn sai thị trường. Điều này cũng giống như bạn cần chọn cho mình một cái ao có nhiều cá trước khi đi câu.
2. TÌM RA SẢN PHẨM, HOẶC DỊCH VỤ VÀ PHÁT TRIỂN LỢI THẾ CẠNH TRANH ĐỘC ĐÁO
Bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mà bạn chưa tìm được lợi thế cạnh tranh độc đáo của doanh nghiệp hay sản phẩm/dịch vụ. Bạn sẽ luôn trở thành "trâu chậm uống nước đục" nếu công việc kinh doanh của bạn sao chép giống y đối thủ.
3. ĐƯA 1 SẢN PHẨM THÀNH SẢN PHẨM MŨI NHỌN, HOẶC SẢN PHẨM ĐỘC TÔN
Khách hàng sẽ thật khó ra quyết định khi mà doanh nghiệp của bạn có hàng chục thậm chí hàng trăm sản phẩm tương tự nhau, điều này sẽ khiến cho khách hàng bối rối và doanh nghiệp của bạn cũng không thể tăng doanh thu. Bạn cần chọn ra cho mình 3-5 sản phẩm mũi nhọn trong hàng trăm sản phẩm của bạn và tập trung marketing cho nó. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí không cần thiết và định vị sản phẩm của bạn.
4. THIẾT KẾ HÌNH ẢNH BẮT MẮT VÀ VIẾT NỘI DUNG HẤP DẪN
Theo thống kê có đến 72% khách hàng ra quyết nhờ yếu tố thiết kế, hình ảnh sản phẩm bắt mắt, ấn tượng và chuyên nghiệp. Nội dung tập trung vào những lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được.
5. SỬ DỤNG CÁC CHIẾN THUẬT BÁN HÀNG NHƯ: UPSALE, COMBO, FREE GIFT, O.T.O
Bạn cần học và áp dụng thành thục các chiêu thức kinh doanhoffline kết hợp với online dựa trên việc thấu hiểu tâm lý khách hàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp của bạn gia tăng doanh thu một cách đáng kể.
6. DÙNG CÁC KÊNH MARKETING VÀ QUẢNG CÁO ONLINE VỚI CPA CAO
Bạn cần lên một kế hoạch marketing cụ thể và dự trù ngân sách. Trong quá trình triển khai bạn cần liên tục thay đổi chiến lược dựa trên tình hình thực tế. Một điều không thể thiếu là bạn cần đo lường hiệu quả của các kênh triển khai và tập trung vào những kênh mang lại hiệu cao, loại bỏ các kênh kém hiệu quả.
7. TỰ XÂY DỰNG KÊNH TRUYỀN THÔNG RIÊNG
Lợi ích của việc tạo kênh truyền thông cho riêng bạn:
- Quảng bá sản phẩm/dịch vụ của bạn một cách thường xuyên, liên tục tới khách hàng tiềm năng.
- Tiết kiệm chi phí marketing.
- Xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành.
8. CÓ ĐỘI NGŨ CHĂM SÓC VÀ HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Theo thống kê, bạn cần mất 7 lần chi phí để có được khách hàng mới, so với việc có được một khách hàng từ khách hàng cũ. Bạn khó có thể tạo dựng một công việc kinh doanh trên internet thành công khi mà bạn không có một kế hoạch chăm sóc khách hàng cũ. Hãy đảm bảo rằng bạn đã có kế hoạch cho doanh nghiệp mình để xây dựng một đội ngũ chăm sóc khách hàng tốt.
ST
9.26.2013
9.25.2013
Cùng ly cà phê du lịch vòng quanh thế giới
Cách pha chế cà phê của người Việt Nam không quá cầu kỳ. Chỉ cần cho một lượng cà phê vừa đủ vào phin, dùng nắp gài ép nhẹ, chế lượng nước sôi theo nhu cầu sử dụng và chờ đợi quá trình thẩm thấu diễn ra
Ở mỗi nước, thức uống này lại mang trong mình một câu chuyện thật thú vị đấy!
Nét văn hóa ẩn mình trong từng cốc cà phê
Cà phê có lẽ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Có thể nói, đây là một thức uống có sự thiên biến vạn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Hãy cùng tìm hiểu một số loại cà phê đặc trưng cho từng quốc gia nhé!
Türk kahvesi- thức uống tiên tri của người Thổ Nhĩ Kỳ
Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ độc đáo ở cả phong cách pha chế lẫn thưởng thức. Bột cà phê được nghiền thật nhuyễn, sau đó ngâm trong nước lạnh, rồi đun nóng ở một điều kiện nhất định. Sau khi pha, cà phê lại được hâm nóng hai hoặc ba lần, đến khi đặc quánh và có màu đậm thì rót vào tách.
Nghệ thuật pha chế thể hiện ở việc tạo lớp bọt dày nổi bên trên tách cà phê. Để hương vị thêm phần phong phú, người pha còn cho thêm đậu khấu (cardamom) hoặc một số hương liệu khác.
Thưởng thức Türk kahvesi cũng là một cách để thư giãn hoặc rèn luyện tính kiên trì vì bạn phải chờ cho bột cà phê lắng xuống hết mới có thể uống được. Điều thú vị hơn là sau khi uống xong, người ta thường úp tách cà phê xuống đĩa và xem bói vận mệnh của mình dựa trên phần cặn cà phê ở đĩa, họ gọi đây là phép bói cặn cà phê (fassomancy).
Nét đẹp Á-Âu trong ly cà phê uyên ương của Hôngkông
Cà phê uyên ương (Yuanyang kafei) là một thức uống rất phổ biến ở Hongkong. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa cà phê và hồng trà (hoặc trà sữa), có thể rắc thêm chút hoa tươi. Cà phê uyên ương chứa đựng cả triết lý về quy luật cân bằng âm dương của người Á Đông. Người ta cho rằng cà phê là thức uống nhiệt, còn trà là thức uống có vị mát, kết hợp hai thứ với nhau sẽ tạo ra sự cân bằng cho cơ thể.
Ly cà phê uyên ương mang trong mình sự giao thoa văn hóa Đông – Tây hài hòa, màu sắc cổ điển trong thức uống này thấp thoáng ẩn hiện đâu đó giữa một thành phố hiện đại, phồn vinh như Hongkong.
Cà phê uyên ương, một cái tên thật thi vị và lãng mạn, mang hương vị đắng, nồng đặc trưng của cà phê, cùng vị thanh của trà, xen với vị ngọt nhẹ của đường, tất cả hòa quyện với nhau như chính hương vị của tình yêu vậy.
Café Bombón – thức uống hấp dẫn của xứ sở đàn ghita
Café Bombón phổ biến đầu tiên ở vùng Valencia của xứ bò tót, sau đó nhanh chóng lan rộng ra những nơi khác. Công thức pha chế rất đơn giản, chỉ gồm espresso và sữa đặc pha theo tỉ lệ 1:1. Trước tiên, espresso sẽ được đổ vào chiếc ly thủy tinh trong suốt, sau đó người pha chế từ từ đổ sữa đặc vào để phần sữa đó chìm xuống.
Như vậy ly café bombón sẽ có 2 lớp màu riêng biệt, trông thật hấp dẫn làm sao! Người pha chế còn thường thêm vào một lớp kem sữa tươi bên trên để hương vị phong phú và thức uống được sinh động, bắt mắt.
Nước Đức và món cà phê đánh thức mọi giác quan
Nếu như bạn là một người yêu thích hương thơm quyến rũ của rượu rum, cà phê Pharisäer của nước Đức chính là một lựa chọn tuyệt vời. Thức uống này là một sự kết hợp độc đáo giữa cà phê đen, rượu rum, đường cùng kem sữa béo (whipped cream).
Khi uống Pharisäer, người thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của chất men rượu rum lan tỏa đến mọi giác quan.
Chuyện kể rằng, mục sư Georg Bleyer là một người rất nghiêm khắc và ông luôn trách móc con chiên về những thức uống không không thể hiện lòng trung thành với Chúa. Để tránh cơn giận cùa ngài mục sư, giáo đoàn đã phục vụ một loại thức uống pha từ rượu rum và cà phê.
Nhằm che giấu mùi hương của rum, họ đã thêm một lớp kem sữa béo bên trên. Tuy nhiên, ngài mục sư đã phát hiện ra rất nhanh chóng. Trong cơn phẫn nộ của mình, ông đã khóc mà thốt lên: “Ihr Pharisäer!” nghĩa là “Ngươi… đồ đạo đức giả!”. Từ đó mà loại thức uống kể trên được gọi là “Pharisäer Kaffee”.
Cà phê phin - dấu ấn đặc trưng của con người Việt Nam
Có lẽ từ lâu, hình ảnh chiếc phin lọc đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa pha chế cà phê ở Việt Nam.
Cách pha chế cà phê của người Việt Nam không quá cầu kỳ. Chỉ cần cho một lượng cà phê vừa đủ vào phin, dùng nắp gài ép nhẹ, chế lượng nước sôi theo nhu cầu sử dụng và chờ đợi quá trình thẩm thấu diễn ra. Lớp nước sôi sẽ bắt đầu thẩm thấu qua cà phê một cách chậm rãi, tự nhiên giúp cà phê đạt được độ chín vừa đủ để trích ly. Vì vậy cà phê phin khi uống sẽ cảm giác luôn tươi, có vị đằm và rất thơm.
Thưởng thức mùi hương cà phê truyền thống đậm đà cùng với giây phút chờ đợi từng giọt, từng giọt cà phê rơi cũng là một khoảng lặng bình yên giúp ta lấy lại cân bằng giữa nhịp sống hối hả ngày nay.
Với sức hấp dẫn đặc biệt của mình, cà phê là thức uống được đón nhận rộng rãi ở khắp nơi. Cũng từ nguyên liệu chính là cà phê, song sự pha chế và thưởng thức mỗi nơi lại có nét đặc sắc riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho văn hóa cà phê thế giới. Ở mỗi quốc gia, cà phê lại quyến rũ người ta bởi những cách khác nhau. Khi có cơ hội đặt chân đến mỗi nước, các bạn đừng quên tận hưởng và cảm nhận hương vị riêng của cà phê ở nước đó nhé!
Theo MASK
Văn hoá cà phê trên đất nước Mặt trời mọc
Nói đến văn hoá ẩm thực của người Nhật, người ta nghĩ ngay đến nghệ thuật trà đạo đặc sắc nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên ngày nay, nước Nhật lại được biết đến như một “xã hội cà phê”.
Lịch sử ghi nhận, lần đầu tiên đất nước Mặt trời mọc biết đến cà phê vào năm 1877. Năm 1888, cửa hàng cà phê đầu tiên của Nhật được khai trương ở quận Ueno, Tokyo. Sau đó, các cửa hàng cà phê bắt đầu mọc lên khắp nơi trên đất Nhật. hiện nay trung bình mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 380.000 tấn cà phê từ hơn 40 quốc gia, trở thành nước nhập khẩu cà phê đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Các quán cà phê ở Nhật phục vụ cà phê, trà, nước hoa quả, nhiều quán bán cả bánh mỳ nướng, sandwich và bữa ăn nhẹ. Nhiều cửa hàng còn phục vụ cả bữa trưa bao kèm theo đồ uống với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, cà phê vẫn là mục chủ đạo trong thực đơn. Mỗi cửa hàng cà phê đều cố gắng để có được một tách cà phê hoàn hảo phục vụ khách hàng. Có cửa hàng chỉ sử dụng hạt cà phê Kilimajaro hoặc Mocha, quán khác lại có phương pháp pha trộn các loại hạt cà phê khác nhau theo một tỷ lệ nhất định. Một số cửa hàng chuyên kinh doanh các loại trà Trung Quốc hoặc phương Tây.
Cũng giống như ở các nước khác, các quán cà phê ở Nhật Bản không chỉ là một nơi lý tưởng để mọi người thưởng thức cà phê mà còn là nơi có thể nghỉ ngơi, thư giãn, tán gẫu với ai đó hay đọc một cái gì đó. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển của cuộc sống và thị hiếu của khách hàng, mỗi quán cà phê ở Nhật Bản đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng…
Cà phê âm nhạc là một hình thức đặc biệt hấp dẫn và thu hút. Có những quán cà phê chuyên phục vụ một loại nhạc đặc biệt nào đó, có thể là nhạc cổ điển, nhạc jazz hoặc nhạc rock. Trước đây, khi các phương tiện nghe nhìn còn quá đắt, người ta thường thích tụ tập ở những quán cà phê quen thuộc, thưởng thức loại nhạc mà mình ưa thích và nhâm nhi một tách cà phê ngon. Ngày nay, những tụ điểm như vậy đã ít đi nhưng quán Meikyoku Kissa Lion nằm ở quận Shibuya của Tokyo vẫn giữ được phong cách này. Hơn 50 năm qua, nơi đây vẫn không có gì thay đổi. Những chiếc loa lớn được đặt ở một nơi dễ thấy, bên cạnh là khoảng 5.000 đĩa nhạc cổ điển và khoảng 1000 đĩa CD sẵn sàng để phục vụ yêu cầu của khách.
Một loại hình cửa hàng cà phê khác đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản là cà phê truyện tranh. Nắm bắt được thị hiếu ưa thích đọc truyện tranh của người Nhật, các cửa hàng này đã tập hợp một số lượng truyện tranh lớn phục vụ khách hàng đọc ngay tại chỗ. Đối với giới trẻ, đến các quán cà phê truyện tranh là một lựa chọn rất kinh tế vì ở đây họ được đọc truyện theo sở thích với chi phí thấp thay vì phải bỏ tiền ra mua. Đối với giới kinh doanh và các nhân viên công ty, đây là một nơi “ẩn náu” tuyệt diệu cho họ sau những ngày làm việc căng thẳng, họ có thể tạm “chạy trốn” khỏi công việc để nghỉ ngơi và thư giãn hoàn toàn… Tokyo Manga Tantei-dan là một một quán cà phê truyện tranh nổi tiếng ở phường Jinbo-cho, quận Kanda của Tokyo. Tại đây khách hàng có thể vừa thưởng thức cà phê có sẵn tại quán vừa đọc truyện tranh, số tiền tuỳ thuộc vào thời gian. Ở Nhật Bản, loại hình này được xem như một ngành công nghiệp giải trí ngang hàng với các câu lạc bộ karaoke.
Bên cạnh đó, loại hình quán cà phê bình dân cũng phát triển rất mạnh. Đi đầu trong phong cách kinh doanh này ở Nhật Bản là công ty cà phê Doutor. Công ty bắt đầu hoạt động năm 1980 chỉ với một cửa hàng, giá chỉ bằng một nửa so với những quán cà phê thông thường khác. Khách hàng ưa chuộng giá cả và hương vị cà phê của Doutor. Những cửa hàng này tập trung ở Tokyo và một số tỉnh lân cận.
Năm 1996, “cơn lốc Starbucks” – một hệ thống cà phê – bar của Mỹ “đổ bộ” lên đất Nhật và đã thu hút được rất nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Một trong những lý lẽ thuyết phục nhất giải thích về sự thành công này là Starbucks đem lại cho khách hàng một không khí thời thượng với những loại cà phê hơi (espresso) chất lượng cao.
Không hoàn toàn đồng nhất với phong cách Mỹ, các quán cà phê mang phong vị Châu Âu, đặc biệt là theo kiểu Paris lại làm mê đắm những cô gái trẻ trong độ tuổi 20-30. Sự kết hợp giữa thiết kế, nội thất trang nhã, lịch sự với phong cách âm nhạc êm dịu tạo cho họ cảm giác như ở căn phòng của chính mình – một không gian lý tưởng để họ gặp gỡ bạn bè, tán gẫu, thưởng thức cà phê và thư giãn…
Một loại hình cửa hàng cà phê mới có tên Anh gốc Pháp là “cà phê” cũng trở nên phổ biến ở các thành phố. Các quán “cà phê” có khuynh hướng phản ánh khẩu vị, phong cách riêng của chủ quán về thức ăn, thiết kế nội thất và âm nhạc. Quán Shichimencho của bà Soma Chiemi nằm ở quận Minami-Aoyama của Tokyo là điển hình của phong cách này. Chủ quán đã bài trí nội thất, chọn thể loại âm nhạc theo sở thích riêng của bà, còn các món ăn thì nấu theo kiểu gia đình. “Tôi muốn đem lại cho khách hàng cảm giác thoải mái thực sự theo đúng nghĩa của nó” bà Soma Chiemi nói.
Hiện nay, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, ở Nhật Bản xuất hiện loại hình các quán cà phê tổ hợp (complex cà phê) với nhiều hình thức dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Hãy thử bước vào một quán cà phê ở quận Ikebukuro ở Tokyo – trung tâm của những quán cà phê truyện tranh trước đây. Đập vào mắt bạn là hàng dãy các phòng ngăn riêng với máy tính và ti vi trong mỗi phòng. Ngoài ra, tại đây còn trang bị thêm hàng trăm đĩa DVD và các đĩa chương trình trò chơi khác… Các dịch vụ như tắm nắng, matxa…cùng vô số những dịch vụ khác cũng xuất hiện. Quán AirsCafe tại quận Chiba, phía đông Tokyo với những trang thiết bị như máy tính cá nhân, máy in, máy fax …tạo ra một môi trường rất thuận tiện và phù hợp cho những ai muốn tập trung vào công việc…Quán Kameido, chi nhánh của hệ thống các cửa hàng cà phê đa năng Jiyu Kukan lại là nơi hẫp dẫn phần đông những đôi yêu nhau hay các gia đình. Ngoài truyện tranh, ở đây còn có rất nhiều các hình thức giải trí khác như bóng bàn, bi-a, phi tiêu, trò chơi điện tử…Đồ uống được miễn phí và các món ăn có được mua từ các máy bán hàng tự động. Tại đây cũng có phòng riêng chỉ dành cho phụ nữ, thậm chí có cả phòng theo phong cách Nhật trải chiếu tatami…
Sự đa dạng, phong phú của các quán cà phê ở Nhật Bản giúp khách hàng có thể lựa chọn quán này hay quán khác tuỳ theo sở thích và mục đích cá nhân… Mỗi quán cà phê sẽ là một thế giới thư giãn và giải trí riêng đối với từng người. Sự “bùng nổ” các loại hình quán cà phê cũng khiến cho một loạt các quán trà cũng đứng trước sức ép thay đổi để phù hợp với xu hướng mới.
Có thể thấy ở Nhật Bản, uống cà phê không đơn thuần là sở thích mà đã nó trở thành một hoạt động được xã hội hoá, một phần đặc biệt của nền văn hoá hiện đại Nhật Bản.
(Ngọc Quyên – Tổng hợp theo Nipponia, Trends in Japan)
Phincafe (Theo Vietnamnet)
9.24.2013
Rider Café - Coming Soon
Sẽ có cảm giác thú vị khi bạn ghé Rider và nhìn thấy ở Rider một Gã yêu tốc độ và những hành trình dài
Không gian lạ và đầy thích thú để bạn khám phá
Bạn sẽ không khỏi tò mò với nàng Vespa treo ngược hay bạn Min-khơ hầm hố hoặc anh Cào Cào to xụ
Một chút bụi bặm của đường phố
Nhưng Rider vẫn có gì đó nhẹ nhàng
Dĩ nhiên cũng sẽ không kém phần lãng mạn khi bạn ghé Rider
Rider Café - 127 Nguyễn Công Trứ
Tp. Buôn Mê Thuột
Xin hân hạnh phục vụ Quý khách!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)