(VOV) -Người dân mong mỏi qua lễ hội sẽ đem lại cho họ sự yên tâm về giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 bế mạc ngày 12/3. Lượng người dự lễ hội đông kỷ lục đã cho thấy, cà phê Buôn Ma Thuột nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng ngày càng có vị thế quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
Lễ hội lần này cũng được tổ chức chu đáo, có chiều sâu, đảm bảo những lễ hội cà phê sau này thêm phần hấp dẫn.
13 nội dung được Ban tổ chức triển khai trong lễ hội cà phê lần này đã đọng lại trong lòng du khách trong nước và quốc tế nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Cụ thể bên trong khu vực chính của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức chính là Hội chợ các gian hàng cà phê được diễn ra tại khuôn viên bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Thiếu nữ Tây Nguyên tại lễ hội cà phê (Ảnh: Hà Nội mới) |
Những gian hàng cà phê mang thương hiệu riêng như: Netcafé, Simexco Đắk Lắk, Inexim Đắk Lắk, Trung Nguyên, An Thái, Vinacafé... đều có chung nguyên liệu cà phê Robusta nổi tiếng của Việt Nam, nhưng kỹ thuật chế biến và nghệ thuật pha chế khác nhau.
Bên cạnh đó những du khách đến tham quan, từ trẻ em tới người già đều có thể được thưởng thức, nhấm nháp những ly cà phê miễn phí, những không gian văn hóa cà phê mang đậm chất Tây Nguyên đầy thu hút...
Phấn khởi, vui vẻ cũng là cảm nhận chung của hầu hết người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cũng như du khách đến từ nhiều địa phương khác. Theo du khách, lễ hội cà phê không chỉ là cơ hội để họ được thưởng thức các sản phẩm cà phê miễn phí mà còn được giao lưu, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất cà phê.
Anh Phạm Văn Kề, một nông dân trồng cà phê ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, đề xuất: “Tôi mong muốn tỉnh Đắk Lắk tổ chức 1 hoặc 2 lần/năm để cho bà con nông dân chúng tôi tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn nhằm cải tạo tiên tiến hơn vườn cà phê và năng suất cao hơn, hiệu quả hơn”.
Lễ hội cà phê còn có ý nghĩa lớn đối với ngành cà phê Việt Nam trong bước phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam với thế giới.
Lễ hội còn đánh dấu sự nhìn nhận một cách đúng đắn của người dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học cũng như chính quyền về sự cần thiết phải xây dựng vị trí cụ thể của cà phê Việt Nam tương xứng với tiềm năng của một quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
Nói về sự kiện này, ông Phan Văn Tâm - Giám đốc Maketting Công ty Phân bón Bình điền – một trong hai đơn vị tài trợ chính cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nói: “Ngoài tri ân bà con nông dân, lễ hội cũng muốn gửi đến một thông điệp cho các nhà quản lý, các nhà sản xuất cũng như các nhà khoa học hãy cùng nhau phối hợp để đưa ngành sản xuất cà phê của Tây Nguyên chúng ta hướng đến sản xuất bền vững”.
Theo đánh giá của Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4, lượng du khách đến với Buôn Ma Thuột trong những ngày diễn ra lễ hội đạt khoảng gần 70.000 du khách, tăng hơn nhiều so với các lễ hội trước đó.
Tuy nhiên, dù đã được chuẩn bị trước, nhưng thực tế vẫn còn những điều khiến du khách phiền lòng như: Tình trạng móc túi, trộm cắp vẫn diễn ra, nhiều du khách phải thuê nhà trọ giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 giá ngày thường; giá gửi các phương tiện xe máy, ô tô cao hơn nhiều lần so với giá mà ban tổ chức đề ra là 5.000 đồng/xe máy và 20.000 đồng/ô tô.
Và điều quan trọng hơn mà người dân mong mỏi ở lễ hội cà phê là làm sao để lễ hội cà phê mỗi lần tổ chức phải là một ngày hội thực sự của người nông dân trồng cà phê và đem lại cho họ sự yên tâm về giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra chứ không chỉ là lễ hội của chính quyền, doanh nhân, nhà khoa học và du khách./.
Phạm Duy/VOV-Tây Nguyên
Phạm Duy/VOV-Tây Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét