8.02.2015
Lý do nên chọn Grand World Phu Quoc
7.27.2015
Nghê thuật vẽ tranh trên lá bằng cafe cực ấn tượng
5.31.2015
Cà phê muối
Chàng trai gặp cô gái ở một buổi tiệc.
Cô rất xinh đẹp, quyến rũ và đến hơn nửa số người trong buổi tiệc đều để ý đến cô. Trong khi chàng trai chỉ là một người rất bình thường, không ai buồn nhìn tới. Cuối cùng, khi buổi tiệc gần kết thúc, chàng trai ngượng ngập mời cô gái uống cà phê với mình. Cô gái rất ngạc nhiên, nhưng vì lời mời quá lịch sự nên cô đồng ý.
Họ ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng tiệc, nhưng chàng trai quá lo lắng, mãi không nói được lời nào, làm cho cô gái cũng cảm thấy bất tiện. Bỗng nhiên, chàng trai gọi người phục vụ:
– Xin cho tôi ít muối để tôi cho vào cà phê!
Mọi người đứng xung quanh đều hết sức ngạc nhiên và nhìn chăm chăm vào chàng trai. Chàng trai đỏ mặt nhưng vẫn múc một thìa muối cho vào cốc cà phê và uống.
Cô gái tò mò:
– Sao anh có sở thích kỳ quặc thế?
– Khi tôi còn nhỏ, tôi sống gần biển – Chàng trai giải thích – Khi chơi ở biển, tôi có thể cảm thấy vị mặn của nước, giống như cà phê cho muối vào vậy! Nên bây giờ, mỗi khi tôi uống cà phê với muối, tôi lại nhớ tới tuổi thơ và quê hương của mình.
Cô gái thật sự cảm động. Một người đàn ông yêu nơi mình sinh ra thì chắc chắn sẽ yêu gia đình và có trách nhiệm với gia đình của mình. Nên cô gái bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn, về nơi cô sinh ra, về gia đình… Trước khi ra về, họ hẹn nhau một buổi gặp tiếp theo…
Qua những lần gặp gỡ, cô gái thấy chàng trai quả là một người lý tưởng: rất tốt bụng, biết quan tâm… Và cô đã tìm được người đàn ông của mình nhờ cốc cà phê muối.
Câu chuyện đến đây vẫn là có hậu vì “công chúa” đã tìm được “hoàng tử”, và họ cưới nhau, sống hạnh phúc.
Mỗi buổi sáng, cô gái đều pha cho chàng trai – nay đã là chồng cô – một cốc cà phê với một thìa muối. Và cô biết rằng chồng cô rất thích như vậy. Suốt 50 năm kể từ ngày họ cưới nhau, bao giờ người chồng cũng uống cốc cà phê muối và cảm ơn vợ đã pha cho mình cốc cà phê ngon đến thế.
Sau 50 năm, người chồng bị bệnh và qua đời, để lại cho người vợ một bức thư:
“Gửi vợ của anh!
Xin em tha thứ cho lời nói dối suốt cả cuộc đời của anh. Đó là lời nói dối duy nhất – về cốc cà phê muối. Em có nhớ lần đầu tiên anh mời em uống cà phê không? Lúc đó, anh đã quá lo lắng, anh định hỏi xin ít đường nhưng anh lại nói nhầm thành muối. Anh cũng quá lúng túng nên không thể thay đổi được đành phải tiếp tục lấy muối cho vào cốc cà phê và bịa ra câu chuyện về tuổi thơ ở gần biển để được nói chuyện với em. Anh đã định nói thật với em rất nhiều lần nhưng rồi anh sợ em sẽ không tha thứ cho anh. Và anh đã tự hứa với mình sẽ không bao giờ mói dối em một lời nào nữa, để chuộc lại lời nói dối ban đầu.
Bây giờ anh đã đi thật xa rồi, nên anh sẽ nói sự thật với em. Anh không thích và phê muối, nhưng mỗi sáng được uống cốc cà phê muối từ ngày cưới em, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải uống cả. Nếu anh có thể làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như thế để có được em, và anh sẽ uống cà phê muối cả cuộc đời”.
Khi người vợ đọc xong lá thư cũng là khi lá thư trong tay bà ướt đẫm nước mắt.
Nếu bạn hỏi người vợ rằng: “Cà phê muối có vị thế nào?”, chắc chắn bà sẽ trả lời: “Ngọt lắm"
ST
5.29.2015
Ly Café Nguội
Một li cafe nóng, để vị đắng tan dần trong miệng âm ấm, dìu dịu. Chút ngầy ngậy của sữa hay thanh thanh của đường…tất cả cùng hương thơm lẫn vào niềm thích thú.
Một cốc cafe đá, cái đắng như se lại, cái ngọt như sâu hơn, lành lạnh , giá giá…vài viên đá lanh canh nơi thành cốc, một chút bọt thật mềm. Mùi hương cũng dồn nén để nhấp ngụm thật nhỏ nó mới lan toả nhẹ nhàng.
Ấy là cái thú của uống cafe.
Bạn có thể uống nóng hay uống lạnh chắc hẳn không muốn uống cafe nguội bao giờ, khi mùi hương nhạt nhẽo, cái đắng chuyển sang vô duyên, uống vào chôi chối, cái ngọt thật tội tình…
Đấy cùng là cách chúng ta yêu !
Có thể nồng nàn mỗi giây mỗi phút, có thể như chết vì nhau, có thể tan cả đất trời, quên đi ngày tháng.Là dịu dàng, nồng ấm , là nhớ mong cồn cào, là khát khao chờ đợi , là sống để biết yêu và yêu để thấy mình tái sinh tồn tại, có thể là đau đớn nhưng vẫn thấy mình cháy bỏng đam mê, là trong vô thường thấy mình không vô vị…Như một li cafe thật nóng
Và khi không còn yêu, đó là giải thoát, đó là kỉ niệm như ai cùng mang trên mình tiểu sử, như cái đã qua chẳng trách oán giận hờn. Có thể bước qua thản nhiên như người dưng xa lạ ấy cũng bởi vì khi còn yêu đã giành hết cho nhau…Như một li cafe đá ít sữa ít đường
Nhưng không thể là thứ tình yêu cẩm chừng, thoi thóp, nhạt nhoà. Bỏ thì tiếc mang theo chẳng hứng thú gì. Chỉ là đôi dép quen chân ngại thay đôi khác, chỉ là cái áo quen mặc dù không thích nhưng vẫn khoác lên theo quán tính thói quen…Một li cafe ngội, cái đắng ngọt lắng xuống, một lớp nước loãng toẹt bên trên, khuâý mãi không còn hương vị…
Vậy nhé
Hâm nóng ly cafe của bạn bằng thật nhiều nồng nàn !
Để lại và ra đi !
Đừng tiếc một cốc cafe nguội !
ST
5.28.2015
Cafe – Sữa – Đá
Café
Café yêu Sữa, cái yêu say đắm, lắng đọng và cô đặc như chính nó. Nó ngắm nghiá Sữa, luôn thầm nhủ: “Ôi nàng mới ngọt ngào, sóng sánh làm sao. Có nàng, ta sẽ bớt đắng hơn, ta và nàng sẽ hòa quyện vào nhau, tạo nên hương vị cho nhau, vị đắng của ta sẽ hòa tan cùng vị ngọt của nàng. Ta và nàng sẽ thưởng thức thứ tình yêu hòan hảo ấy. Màu da đen nhẻm của ta sẽ được lớp áo vàng óng của nàng che phủ, tạo nên một màu nâu đẹp dẽ, hòan hảo. Ôi ước chi nàng là của ta.”
Café yêu Sữa bao nhiêu, thì ghét Nước đá bấy nhiêu, nó thường lánh xa Nước đá, và thường chửi rủa chàng Nước đá tội nghiệp: “Ôi thứ quái vật băng giá ghê tởm kia, ngươi làm ta tan chảy, làm vị đắng tuyệt vời của ta cứ tan dần tan dần cho đến khi ta lạt nhách. Ngươi chẳng mảy may có chút lòng thương, ngươi làm nàng Sữa từ sóng sánh ánh vàng chuyển sang trắng nhợt nhạt và bỏng bẻo. Ôi vì sao trên đời lại có thứ quái vật lạnh lùng như ngươi.”
Sữa
Sữa ghét Café, nàng thường tìm cách tránh mặt Cafe, nàng cho rằng Café làm cho màu da nàng không đẹp nữa, nàng vốn đã ghét màu áo vàng óng ánh của mình, thế mà Café còn làm cho nàng trở nên nâu xỉn, và làm đắng nàng, nàng thì ngọt, và nàng không thích hòa tan cái vị ngọt của mình vào vị đắng của Café.
Sữa yêu Nước đá, Sữa thường bảo với chàng Nước đá: “Ôi chàng mới tuyệt vời làm sao, chàng làm cho em tan chảy ra, hòa tan với chàng, làm cho em mát lạnh, làm làn da em trở nên trắng trẻo như thể em đi tắm trắng (ôi công nghệ làm đẹp). Chàng làm cho vị ngọt của em trở nên dịu hơn, dễ thưởng thứ hơn.”
Nước đá
Chàng Nước đá lạnh lùng chẳng yêu cũng chẳng ghét nàng Sữa, cũng chẳng rỗi hơi đi căm thù lại cậu Café. Bởi cậu biết, có yêu ghét nhau thế nào, rồi cũng có ngày 3 chúng ta sống chung. Cuộc đời là thế mà, có đắng, có ngọt và có lạnh lùng. Chàng cũng muốn nói cho nàng Sữa và cậu Café biết, nhưng bản tính chàng nó lạnh lùng thế, hơn nữa, chàng nghĩ “ Thế nào chả có lúc hai kẻ dở hơi ấy nghĩ ra, thôi thì để họ tự nhận ra tốt hơn là bị mình dạy bảo”
Và khách vào nhà, cô bé con xinh xinh chạy ra chào lễ phép, ba cô bé hỏi ông khách muốn uống gì? Ông khách trả lời ngắn gọn : “Café Sữa Đá” Ba cô bé nhìn cô bé trìu mến: “Vào làm cho chú ấy một ly Café Sữa Đá con à”. Cô bé dạ một tiếng rõ to rồi nhảy chân sáo vào bếp, miệng hát vang, lâu lắm rồi – từ ngày mua hộp Café và hộp Sữa mới – mới lại có khách muốn uống Café Sữa Đá.
ST
5.24.2015
Cách thưởng thức cà phê
Ý
Caffè latte – kiểu cà phê sữa của Ý, một phần sữa nóng, một phần espresso
Cappuccino – một phần ba là espresso, một phần ba là sữa nóng và một phần ba sữa đánh bông, thêm bột cacao hoặc bột quế
Cappuccino con panna – cappuccino dùng kem sữa đánh đặc thay vì sữa sủi bọt
Chocolaccino – cappuccino thêm sôcôla nghiền
Coretto – cà phê espresso với rượu mạnh, ví dụ như Coretto con Grappa, Coretto con Fernet …
Doppio – hai phần espresso
Espresso – cà phê cực đặc không có sữa hay đường, pha bằng cách cho nước dưới áp suất cao (9 đến 15 bar) đi qua bột cà phê xay cực mịn. Một tách (một phần) espresso khoảng 25 ml
Lungo – espresso với lượng nước nhiều gấp đôi
Latte Macchiato – sữa ấm sủi bọt và rót cẩn thận espesso lungo vào
Mischio – cà phê pha với cacao và kem sữa đánh đặc
Ristretto – espresso với lượng nước rất ít (15-20 ml thay vì 25 ml)
Đức
Eiskaffee – cà phê nguội thêm kem vani
Cà phê Ireland – mokka với whisky, kem sữa và đường
Kaffee Hag® – cà phê không chứa caffein (Hag là một nhãn hiệu)
Milchkaffee – cà phê pha qua giấy lọc, một nửa sữa, một nửa cà phê
Mokka – một loại cà phê đặc
Pharisäer – cà phê đen với rượu rum, đường và kem sữa đánh đặc
Rüdesheimer Kaffee – cà phê pha với rượu brandy, kem sữa đánh đặc, đường vani, thêm vụn sôcôla
Schwaten hay Schwatten – cà phê loãng, cho thêm đường và 2 cl rượu mạnh làm từ ngũ cốc (tiếng Đức: Kornbrand) mỗi tách (đặc sản miền bắc Đức)
Kaffee kiểu Thổ – cà phê đặc để trong ấm nhỏ, kèm cả bã
Carajillo – thêm một ít rượu mùi, brandy hay rum. Cách làm: Đường được khuấy trong một ly với rượu, sau đó đốt lên rồi rót cà phê pha đậm (cà phê espresso) vào. Hạt cà phê và một miếng vỏ chanh được cho vào ly để trang trí.
Bồ Đào Nha
Bica – cà phê đen, đặc, dùng tách nhỏ
Pingo (Bica Pingada) – Bica thêm một ít sữa
Galão – cà phê sữa Bồ Đào Nha, dùng ly
Hy Lạp
Griechischer Kaffee – cà phê đặc được nấu 2 hoặc 3 lần, giống như loại cà phê Thổ Nhĩ Kỳ
Café frappé – cà phê tan, thêm đá
Mỹ
Iced coffee – cà phê đặc, nóng, thêm đường được rót vào một ly đựng đá
Nam Mỹ
Caffè Americano – espresso thêm nước nóng và spirituose (tên chung của các loại rượu trên 20% cồn như vodka, gin, rum, tequila, cachaca..)
Áo
Almkaffee – cà phê dùng với lòng đỏ trứng, rượu hoa quả và kem sữa
Biedermeier kiểu Áo – thêm rượu mơ và kem sữa
Großer Brauner – hai phần espresso với sữa, dùng tách lớn
Kleiner Brauner – một phần espresso với sữa, dùng tách nhỏ
Doppelmokka – hai phần cà phê đặc dùng với tách lớn chuyên để uống mokka
Einspänner – mokka đựng trong cốc có quai, thêm kem (có quai để người đánh xe ngựa vừa cầm roi vừa có thê uống được) (Wien)
Eiskaffee kiểu Anh – một phần ba cà phê, một phần ba kem, một phần ba kem sữa
Eiskaffee kiểu Áo – loại cà phê đặc bao gồm lòng đỏ trứng, cà phê và kem sữa đánh đặc
Fiaker – một cốc cà phê đen với nhiều đường, thêm một lượng rượu Slibowitz (rượu mạnh làm từ quả mận tía vùng Balkan) hoặc rum
Franziskaner – cà phê sữa loãng với kem sữa và sôcôla
Gebirgskaffee – cà phê với lòng đỏ trứng, rượu hoa quả mạnh và kem sữa
Gespritzter – cà phê đen với rum
Granita di Caffé – kem xay nhuyễn rồi rót cà phê đen có đường lên trên
Intermezzo – một lượng mokka nhỏ, thêm sôcôla nóng và “Creme de cacao”, khuấy lên rồi thêm kem sữa đánh bông cùng vài miếng sôcôla
Kaffee Kirsch – cà phê với nước anh đào
Kaffee Obermeier – cà phê với màng sữa (Wien)
Kaffee Verkehrt – 2 phần sữa, một phần cà phê (Wien)
Kaisermelange – mokka với lòng đỏ trứng, thêm mật ong hoặc Cognac (Wien)
Kapuziner – cà phê đen với một lượng nhỏ sữa (Wien)
Katerkaffee – cà phê đen đặc, thêm đường, có mùi chanh
Konsul – cà phê đen thêm một ít kem sữa đánh đặc (Wien)
Kosakenkaffee – một lượng nhỏ mokka với rượu vang đỏ, wodka và nước đường
Maria Theresia – mokka với một lượng nhỏ rượu cam
Marghiloman – mokka với Cognac
Mazagran – cà phê lạnh, ngọt, thêm vài mẩu kem, rượu Maraschino hoặc Cognac
Melange – nửa cà phê, nửa sữa
Mokka gespritzt – mokka với cognac và rum
Piccolo – một lượng nhỏ cà phê đen, lắc đều
Großer Schwarzer (hay großer mokka) – kiểu Áo – hai phần espresso không có sữa, dùng tách lớn
Kleiner Schwarzer (hay kleiner mokka) – kiểu Áo – một phần espresso không có sữa, dùng tách nhỏ
Othello – sôcôla nóng với espresso
Sanca® – cà phê không có caffein (Sanca là một nhãn hiệu)
Schale(rl) Braun – nửa cà phê, nửa sữa
Schale(rl) Gold – cà phê sữa, loãng hơn Schale(rl) Braun (Wien)
Separee – Cà phê và sữa được dùng riêng
Sperbertürke – kiểu cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nặng gấp đôi, thêm đường
Türkischer Kaffee passiert – cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, để nguyên bã
Überstürzte Neumann – kem sữa đặc được phết lên bề mặt một cái bát, được “hỗ trợ” thêm cà phê nóng
Kaffee kiểu Hungary – cà phê đặc có đường, thêm đá, sau đó thêm kem sữa lạnh và dùng trong ly
Verlängerter – một lượng nhỏ cà phê đen pha thêm nhiều nước (Wien) hoặc espresso thêm nhiều nước
Weißer mit Haut – cà phê sữa loãng thêm sữa nóng
Zarenkaffee – espresso đặc, phía trên là lòng đỏ trứng đánh bông, thêm đường (loại cà phê yêu thích của các sa hoàng)
Thụy Sĩ
Canard – cà phê với Marc (rượu mạnh làm từ nho): cho vào miệng một viên đường nhúng rượu, sau đó nhấp tách cà phê pha rượu và kem sữa
Kaffee crème – cà phê với kem sữa
Kaffee Melange – cà phê với kem sữa đánh đặc, thường thì kem sữa được phục vụ riêng trong một tách nhỏ
Luzerner Kafi – cà phê loãng có màu trà, pha thêm Träsch (một loại rượu mạnh của Thuỵ Sĩ, làm từ quả lê, thỉnh thoảng có thêm táo)
Schale – cà phê sữa
Pháp
Café au lait – một loại cappucino đặc với một ít bọt sữa
Café Brulot – Cognac pha đường và cà phê
Café Crème – cà phê với kem sữa hoặc sữa đánh bông
Café Filtre – cà phê pha phin, loãng hơn espresso đôi chút
Café natur – cà phê đen
Café Royal – giống Café Brulot
Tây Ban Nha
Từ “cà phê” ở Tây Ban Nha thường dùng để chỉ loại cà phê espresso.
Café solo – đen
Cortado – thêm sữa đặc có đường (señorita) và một lượng nhỏ sữa hay bọt sữa, thường dùng tách, thỉnh thoảng dùng ly (xem Cortado)
Café con leche – cà phê sữa, một nửa cà phê, một nửa sữa (thường được đánh bông)
Café americano – cà phê phin, cũng để chỉ loại café solo pha loãng
Café con hielo – một ly đựng đá viên, sau đó thêm đường, cuối cùng là rót cà phê vàoViệt Nam
Cà phê sữa pha bằng fin ở Việt Nam
Cà phê đen nóng: Bỏ cà phê xay vào fin cà phê, nêm chặt cà phê, rồi chế nước sôi lên. Hứng cà phê rỉ ra từ dưới fin. Có hoặc không thêm đường tùy “gu”. (fin=filtre, có nguồn gốc tiếng Pháp, hay filter trong tiếng Anh). Fin thường làm bằng nhôm, nhưng ngày nay do nhu cầu cao của cuộc sống, dịch bệnh lan tràn các loại phin nhôm dần được thay thế bằng loại phin giấy sử dụng một lần “ly cà phê phin tiện dụng ”
Hiện nay trên thị trường xuất hiện một loại hình thưởng thức cà phê mới là “cà phê phin giấy”, một sản phẩm mang đầy đủ những yếu tố cà phê phin truyền thống được hình thành do ý tưởng của nhóm thành viên Cafesangtao.vn. Ưu điểm của loại phin giấy này là đáp ứng đầy đủ yếu tố của phin cà phê truyền thống
Cà phê sữa nóng: dưới đáy ly/cốc có để sẵn sữa đặc (nhiều ít tùy ý), cà phê nóng rơi xuống từ fin (xem hình bên), quấy đều. Theo thói quen, cà phê nóng và cà phê sữa nóng thường uống vào buổi sáng sớm trong/trước bữa ăn sáng. Nhiều người uống cà phê nóng/ cà phê sữa nóng mà không cần ăn sáng.
Cà phê đá, như cà phê nóng, nhưng cà phê pha đặc (nhiều bột cà phê), rồi thêm đá lạnh, có người thích bỏ đường, có người không, tùy “gu”.
Cà phê sữa đá: Như cà phê sữa nóng, nhưng pha thật đặc (nhiều cà phê, nhiều sữa), rồi cho thêm đá lạnh, quấy đều.
Bạc xỉu (không rõ nguồn gốc từ này, có thể từ tiếng Hoa? chỉ phổ biến trong miền Nam): Như cà phê sữa, nhưng lượng sữa nhiều hơn, và ít cà phê hơn, thích hợp cho nữ giới; có thể thay sữa đặc bằng sữa tươi. Có hai loại, bạc sỉu nóng và bạc xỉu đá.
Cà phê trứng – có hai loại:
Đập một quả trứng sống vào một tách cà phê nóng, thêm đường, có hoặc không có sữa;
Lòng đỏ trứng được đánh bông thành kem, phía dưới có một lượng nhỏ cà phê đen.
Cà phê chồn (hay gọi theo tiếng Indonesia là Kopi Luwak) từng có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 và mất đi cùng với việc loài chồn (đúng ra là cầy) hay ăn hạt cà phê ở Tây Nguyên gần như tuyệt chủng do bị săn bắt tràn lan.
Cà phê tại Việt Nam thường được thưởng thức qua các phin cà phê (gốc là từ filtre trong tiếng Pháp). Hạt cà phê thường được xay nhỏ, nén vào trong các phin và nước sôi được đổ lên trên để được lọc vào một ly, hay tách, tại bên dưới của phin. Có nhiều loại phin cà phê mà hai loại thông dụng nhất được làm bằng nhôm hay inox, ngoài ra còn có phin tiện dụng bằng giấy chỉ sử dụng một lần. Có tên là “ly cà phê phin tiện dụng” sản phẩm do một sinh viên trường y sáng chế, ưu điểm và hoạt động như một phin truyền thống đã có từ xa xưa. Cà phê mang đi là dạng cà phê nhanh, dùng cho những người bận rộn và thường xuyên di chuyển. Dạng cà phê này không ngồi lại quán thưởng thức mà có thể mang đi uống, rất tiện lợi về mặt thời gian và không gian cho mọi người. Cà phê mang đi gồm có nhiều loại từ cà phê Việt Nam cho đến cà phê Cappuccino của nước ngoài.
Hiện nay tại thị trường Việt Nam, cà phê mang đi còn khá mới mẻ và chưa thật sự được phổ biến rộng
[Theo Wikipedia]
5.20.2015
Uống Cafe Ở Hà Nội
Mùa này, uống một ly café nóng ở Hà Nội thì còn gì thú vị hơn, phải không? Chúng tôi xin giới thiệu một vài quán café của Thủ đô được nhiều bạn trẻ ưa thích vì phong cách lịch sự, giá cả cũng rất vừa túi tiền.
1. Thư giãn với Café Intello Book
Khác với những quán cà phê sử dụng nhạc làm một phần để hấp dẫn khách, Intello Book luôn yên tĩnh, không tiếng nhạc hay âm thanh nào khác. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu của học sinh, sinh viên thủ đô và những ai yêu thích đọc sách.
Sách ở quán được bố trí tại các kệ sách trên tường. Ở đây có đủ loại sách, từ văn hoá, khoa học đến truyện ngắn, tiểu thuyết, với hàng loạt danh mục sách mới, rất tiện lợi cho bạn đọc tra cứu.
Những quyển sách này do lưu học sinh cung cấp và được thay đổi thường xuyên.
Intello Book Café là nơi để những người tâm huyết với diễn đàn trực tuyến gặp gỡ và trao đổi công việc. Nhiều sách ngoại văn của Intello Book rất hấp dẫn.
Intello nổi bật nhờ cách bài trí theo kiểu châu Âu pha lẫn nét cổ điển. Thiết kế và cách trình bày tại Intello làm cho quán rất riêng. Những ống đèn dài hoà với gam màu xanh, vàng, đỏ… của ngôi nhà, tạo nên không gian tươi trẻ.
Ngoài ra quán còn giới thiệu văn hoá Việt Nam qua những trang sách được phiên bản theo nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Địa chỉ: Intello Book, 59 Văn Miếu, Hà Nội
Điện thoại: (04) 747 1999
2. Cà phê Giai Điệu
Duyên dáng như một khúc nhạc, quán cà-phê Giai Điệu là một địa chỉ hấp dẫn đối với các bạn trẻ của đất Hà thành với không gian cảm thụ âm nhạc khá lý tưởng. Đến đây, bạn sẽ bỗng chốc quên đi cảm giác bị stress.
Khách đến quán thường kết những chỗ ngồi bên những ô cửa sổ rất lớn. Những khung cửa kính nghiêng ra bên ngoài gợi một cảm giác vừa bình yên vừa lãng mạn.
Nếu muốn trải lòng hơn, hãy chọn một chiếc bàn kê ngoài hiên hoặc theo những bậc cầu thang cong cong lên tầng hai. Bạn sẽ có một tầm nhìn phóng khoáng ra con đường Liễu Giai đẹp nhất Hà Nội.
Vừa cảm nhận chút ồn ào của phố xa, vừa lắng nghe những bản nhạc mà mình yêu thích, chắc chắn bạn sẽ thấy thú vị lắm.
Các loại thức uống ở đây được pha chế rất ngon. Ấn tượng nhất phải kể đến cà phê. Có cả một danh mục rất dài các loại cà phê và thức uống pha với cà phê cho bạn lựa chọn.
Ngoài ra, các loại sinh tố hoa quả ở đây cũng ngon tuyệt. Hãy thử gọi một ly sinh tố Giai Điệu mà xem, mùi thơm thoang thoảng của bơ, mãng cầu sẽ làm bạn nhớ mãi.
Địa chỉ: 9A Liễu Giai, Hà Nội
Điện thoại: (04) 761 4197
3. Đến Escape để xua đi mọi ưu phiền…
Đến Escape bạn sẽ thực sự ngỡ ngàng bởi sự phối kết hài hòa giữa thiên nhiên – cây cỏ – hồ cá và những hòn non bộ cùng thác nước cao 6m với những bụi nước nhỏ li ti, luôn làm cho không gian thoáng mát, và pha chút lãng mạn, để xua đi những mệt mỏi, ưu phiền trong cuộc sống thường nhật.
Trở về với thiên nhiên – đó là đặc điểm nổi bật của Escape, dù rằng ngồi trong phòng lớn, hoặc các khoang nhỏ được ngăn cách với nhau bằng cây cảnh hay ngoài vườn thì nơi đâu bạn cũng dễ nhận ra những hình ảnh của cuộc sống thiên nhiên tươi đẹp, từ những bức tranh, lưới đánh cá… đến những chiếc thuyền buồm cổ mang dáng dấp viking…
Khi bạn ngồi bên chiếc bàn gỗ, rất có thể một lúc nào đó đang nhấm nháp giọt cà phê đắng, bạn giật mình vì tưởng như những chú cá gắn trên tường bỗng nhiên động đậy lách tách.
Một góc khuất dành riêng cho đôi tình nhân với những viên sỏi màu đựng trong bình thủy tinh trong suốt, khi tay trong tay bạn sẽ không cầm lòng được mà phải thì thầm “ngàn năm sỏi đá cũng cần có nhau…”.
Sự đa dạng của các loại đồ uống – ở Escape sẽ làm bạn ngạc nhiên, bạn có thể thưởng thức ly cà phê mộc nguyên chất, hay bạn cũng có thể nhâm nhi từng mùi vị quyến rũ của ly cocktail theo phong cách châu Âu, đặc biệt là những loại nước ép từ mùi trái cây của xứ sở nhiệt đới.
Nếu bạn là một “tín đồ” của thú vui ăn uống và bạn đã từng phải đi hàng trăm cây số để thưởng thức món bún bò Huế và hủ tiếu Nam Vang thì bây giờ bạn đã có một địa chỉ tin cậy để thưởng thức tại Escape.
Escape bar-cafe có địa chỉ tại 210 Trần Quang Khải – Hà Nội.
ĐT: 04.8255354.
ST
5.02.2015
Nghệ Thuật Uống Cafe
Uống cà phê là cái thú dù là ở nhà, ở quán cũng như ở văn phòng. Uống cà phê cũng có luật của nó, không bắt buộc nhưng nên tuân thủ, để làm cho thức uống thần diệu này thêm ngon hơn. Trước hết cà phê dường như sẽ có hương vị ngon hơn nếu bạn dùng chén sứ (porcelain cup) và nếu bên cạnh có bình đựng sữa cũng bằng sứ cùng với một đĩa nhỏ đồ ngọt hay bánh bích quy.
Cà phê trong phòng khách
Khi bạn mang cà phê ra mời khách, nên mời khách thưởng thức cà phê trong phòng khách chứ đừng mời bên bàn ăn hay bàn làm việc. Nên mời thêm bánh cake hay bánh bích quy. Nên bày ra một bộ chén uống cà phê bằng sứ, sau đó rót cà phê cho khách sau khi đã hỏi khách xem người đó muốn uống cà phê như thế nào. Sau khi rót, nếu khách uống cà phê có đường, thì mới thêm đường, và đẩy chén về phía khách. Khuấy đường thì nên khuấy nhẹ theo hướng từ trên xuống dưới và ngược lại chứ không khuấy theo vòng tròn.
Gốm hay sứ? (Ceramic or porcelain)
Chén gốm cũng tạm được, nhưng nếu có chén sứ thì nên dùng hơn, và chén nên dùng kèm với tách (đĩa nhỏ để dưới chén). Luật cà phê khuyên người ta tráng chén bằng nước nóng trước khi serve và chỉ rót cà phê đến 2 phần 3 chén. Thìa cà phê nên dùng thìa nhỏ hơn thìa bình thường (gọi là demitasse spoon). Khi uống nếu dùng tay phải nâng chén lên môi, tay trái đỡ cái tách thì thật là duyên dáng .
Ấm cà phê (coffeepot)
Khi chỉ là “trong nhà với nhau” thì cà phê có thể được rót thẳng từ cái ấm pha cà phê mocha vào chén. Tuy nhiên, khi nhà có khách, nên dùng ấm đựng cà phê bằng gốm, sứ, bạc, đồng đỏ, đồng thau hay bằng thép không rỉ, tùy thuộc vào màu sắc của bộ chén cà phê của bạn. Dù làm bằng chất liệu gì đi nữa thì ấm cà phê phải được tráng bằng nước nóng để cà phê không bị nguội trước khi được rót ra chén.
Bát đựng đường (sugar bowl)
Bạn nên mời khách dùng cà phê với vài loại đường khác nhau, đường trắng hay đường nâu (gọi là Demerara sugar) đựng trong những cái bát nhỏ, thường là một phần trong bộ đồ cà phê. Có thể là bằng bạc hoặc bằng sứ. Bát đường có thìa riêng để xúc đường, tục gọi là “sugar shell”.
Cốc đựng sữa (cream pitcher)
Vì nhiều người thích pha sữa vào cà phê, nhât thiết bạn nên có một cốc đựng sữa tươi hay cream khi mang cà phê mời khách. Pitcher này có thể bằng pha lê, thủy tinh, sứ hay bạc tùy bạn. Nên tránh dùng sữa đặc có đường vì sữa này chất lượng không cao và lại quá ngọt cho một số người.
Thế còn đồ ngọt?
Có nhiều loại đồ ngọt có thể mời cùng với cà phê, tùy thuộc vào thời điểm thưởng thức. Ví dụ vào buổi sáng bạn nên mời khách bánh brioches (bánh ngọt có nhiều bơ và trứng) hoặc bánh sừng bò (croissants). Sau bữa trưa hay bữa tối thì nên dùng chocolates, bánh bích quy hoặc vài lát bánh cake. Người Anh thích uống cà phê với kẹo chocolate bạc hà. Nếu bạn mời khách bánh cake hay biscuits, nên bày thêm khăn ăn (napkins) cho khách dùng.
Lỗi nên tránh: Đây là một danh sách ngắn những lỗi thường gặp của những người không sành uống cà phê:
* Cho đường vào cốc rồi mới rót cà phê;
* khuấy cà phê theo vòng tròn (dù là ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ) làm ra tiếng lanh canh lanh canh bên trong chén;
*Trong khi uống vẫn để thìa cắm trong chén;
*Khi nâng ly cà phê lên môi uống lại vểnh ngón tay út lên;
*Dùng thìa xúc cà phê lên uống, dù chỉ là một chút để xem cà phê đã đủ ngọt hay chưa.
Phép lịch sự ở quán cà phê
Dù là bạn đến uống ở một quán quen hay là mới thử đến một quán mới lần đầu tiên, nên chào người bán hàng khi vào và ra, it nhất là một từ “hi” đơn giản. Khi gọi cà phê, nên dùng những từ như “please” và “thank you”. Nếu đi uống với bạn là nữ giới, nên hỏi xem họ có muốn dùng đường và sữa không, và giúp họ cho thêm đường và sữa nếu họ muốn. Nếu vô tình gặp bạn, nên offer trả tiền cà phê cho bạn (dù họ là nam hay nữ). Một lỗi cần phải tránh bằng mọi giá là đừng bao giờ chấm bánh quy, hay bất cứ loại bánh gì vào cà phê và vừa uống vừa ăn, như thế trông rất bần tiện. Đừng uống cà phê kiểu húp sùm sụp. Ghé môi uống thật êm từ chén. Đừng dùng thìa xúc cà phê lên uống dù là ở tiệm hay ở nhà. Uống cà phê xong thì đừng cắm vào trong cốc cà phê, có thể để thìa trên tách, đĩa. Khi ở quán cà phê, đừng đặt túi xách hay khuỷu tay của mình lên quầy khi gọi cà phê.
Cách pha cafe ngon nhất?
Tớ biết trong đây hầu hết mọi người đều biết pha cafe’ phin theo kiểu Việt Nam hết rồi. Nhưng làm thế nào để pha ngon thì có lẽ không phải ai cũng biết. Tớ chỉ muốn viết ra đây để giúp các bạn để sau này khi cần thì biết cách pha làm sao cho ngon (theo kinh nghiệm của tớ – hy vọng giúp được các bạn phần nào thôi nhen ).
Thường thì tớ mua loại cafe Du Monde (được làm ở New Oleans, Louissiana) hoặc cafe’ Trung Nguyên (được sản xuất tại Việt Nam). Sau này họ có nhiều loại Cafe lắm nhưng tớ chưa thử qua như Cafe Bamboo, hay các loại khác….
Cách pha:
1. Nấu ấm nước thiệt sôi
2. Trong lúc đó múc 4 hoặc 5 muỗng cafe’ bột (tùy người thích uống đậm hay lạt) bỏ vào phin và dùng đồ nén (có thể gọi là piston) để nén vừa chặt, nếu cafe’ trong phin ít thì có thể vặn cái piston đó xuống cho đủ chặt – đừng vặn chặt quá thì khi chế nước sôi vào và cafe’ nở ra thì chặt quá và nước cà phê không có chảy xuống ly được .
3. Nếu uống cafe’ sữa thì múc 2-3 muỗng sữa đặc (condensed milk) cho vào trong ly và đặt phin cafe’ lên trên. Nếu uống cafe’ đen thì chỉ cần đặt phin cafe’ lên cái ly không (và khi uống thì mới cho đường vào).
4. Chế một ít nước sôi vào phin (nhắm chừng chỉ đủ cho cafe’ trong phin nở mà thôi, chế nhiều quá thì nước đi qua cafe’ sẽ chảy xuống ly mau quá và không ngon), chờ cho nước sôi thấm hết vào cafe’ và cafe’ có thời gian để nở (trong lúc đó vẫn để ấm nước trên bếp cho tiếp tục sôi). Sau đó chế tiếp nước sôi trong ấm vào phin (cho nước sôi vào khoảng nửa phin hay hơn nửa phin là được).
Từng giọt cafe’ sẽ nhỏ từ từ xuống, cafe’ chảy chậm chừng nào thì ngon chừng đó vì nó sẽ lấy hết chất cafe’ trong bột cafe’ trên phin.
Khi nước sôi đã đi qua hết trong phin cafe’ thì để cái phin qua một bên và bắt đầu khuấy cafe':
1. Nếu uống cafe’ đen thì tùy khẩu vị của từng người mà cho đường vào, sau đó uống nóng thì chêm thêm nước sôi, còn uống cafe’ đen đá thì đập đá (hay dùng crushed ice) bỏ vào
2. Nếu uống cafe’ sữa thì dùng cái muỗng nhỏ quậy cho tan sữa vào cafe’ và đánh mạnh một chiều trong ly cho cafe’ quyện đều vào nhau và nổi bọt (nhớ là phải trộn/đánh mạnh cho cafe’ và sữa nổi bột thì mới ngon). Sau đó cho đá đập (crushed ice) vào và lấy muỗng xóc xóc (dằm dằm) lại cho đều và nổi bọt nhiều hơn thì ly cafe’ sẽ có độ sệt sệt của cafe’ sữa và đá quyện vào nhau thành một màu nâu thật đẹp.
Khi uống cafe’ sữa đá thì phải uống từ từ mới thấm thía vị đắng/ngon và thơm của cafe’, có cục đá nào đi theo vô miệng thì mút mút rồi mới nuốt …. và nó mới… đã . Nếu uống cafe’ và uống ào ào, ực ực thì thật là…. phí.
Note:
1. Có những người thích vừa uống cafe vừa khề khà điếu thuốc , nhưng xin nhắc một tí mẹo nè: đừng bao giờ để tàn thuốc lọt vào ly cafe’ nghen, tại vì vô tình (hay cố ý) mà để tàn thuốc hòa lẫn với cafe’ thì sẽ làm cho các bạn bị say cafe’ đó. Sau khi “say cafe'” thì bước đi sẽ siêu vẹo, đầu óc chơi vơi, và có trạng thái bềnh bồng như đi trên đó. Xin các bạn đừng thử .
2. Nước để pha cafe’ phải thật sôi thì cafe’ mới ngon.
Chúc các bạn có 1 ly cafe thật ngon miệng.
ST
4.30.2015
Trà đạo, tửu đạo, sao không cafe đạo?
Mai sau người ta chắc sẽ còn sáng chế ra không biết cơ man nào là đồ uống. Nhưng có thể nào thay thế được ba thứ đã gắn bó với con người từ thủa hoang sơ. Ấy là rượu, trà và cà phê. Người ta bảo sau khi tìm ra lửa, soi tỏ đường cho con người thoát khỏi cầm thú, thì việc làm ra rượu là cách khôn ngoan cất giấu, ủ giữ sức lửa âm ỉ dưới làn nước trong vắt. Rượu là lòng, lửa là đời. Vui có chén rượu, buồn cũng tìm đến rượu. Trà lại là tinh chất của đất trời, dồn tụ lại dâng lên từng búp lá. Nước xanh trong như mắt vịt, hơi nóng bảng lảng như sương khói. Chén trà dưỡng tâm và tĩnh trí. Chè tam rượu tứ. Quanh chén trà, ly rượu phải có bạn hiền, những người đồng cảm, đồng điệu chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và ngẫm sự đời. Trà cô đọng thành một triết lý và kết nên trà đạo.
Riêng cà phê thì nép vào một góc khuất. Từ thủa cà phê theo chân người Pháp mà sang ta, tưởng đâu chỉ dành cho người giàu, kẻ sang. Hoá ra cà phê ” tan” ngay vào đời sống bình dân. Người Hà Nội, người Sài Gòn và người lục tỉnh mới chỉ biết thưởng thức đồ uống đặc Tây ấy bằng vợt. Tức là một lúc có thể pha được dăm lạng có khi cả ký cà phê.
Cứ để nguyên trên hoả lò đỏ lửa ,hương vị ngọt ngào trùm cả một góc phố . Rồi châm ra vài chục ly, ấy là cách “quần ẩm” . Có lẽ chính cốt cách của người Việt, chậm rãi và chừng mực, không chịu được sự ồn ào, nên cà phê đã được ” lọc” qua khẩu vị mấy đời mà sinh ra một cách thưởng thức riêng. Ngấm dần qua phin, cà phê mới chắt lọc được những cốt chất tinh tuý nhất. Bên ly cà phê nhỏ giọt, gợi cho ta những nỗi vui buồn, những kỷ niệm. Gợi nhớ tới những miền suy ngẫm sâu xa. Nó tự nhiên ùa đến, như nỗi cô đơn. Khi ấy chỉ một mình mình trước ly cà phê. Một mình mình biết, một mình mình hay.
Chẳng có ai có thể suốt ngày bên ly cà phê . Nhưng một ngày làm sao thiếu nổi. Đấy là giây phút riêng mình. Tĩnh tâm, trầm ngâm, nhìn sâu vào mình. Nhìn thẳng vào nỗi cô đơn, đau buồn và thương nhớ. Bởi thế cà phê rất kỵ sự ồn ào, thái quá. Cái ấy dành riêng cho lớp trẻ. Họ trong suốt đến mức có thể nhìn xuyên qua được.
Có thể một triết lý cà phê kiểu TN?
Thời buổi hối hả thoáng qua, cái gì cũng nhanh: ăn nhanh, uống nhanh và sống nhanh. Vậy là có trà hoà tan, cà phê hoà tan 2 trong 1, 3 trong 1 cho đã khát. Chỉ xin mãi được là 1 trong 1. Một người với một người. Một người trong một người. Đừng nói gì cả, lặng im chìm trong đáy nước đen thẫm. Trong lặng im mới hiểu nhau nhiều.
Nhớ Trương Chi khi xưa, khi ôm mối tình trầm mình xuống đáy sông, hồn nhập vào cây bạch đàn. Có người thợ khéo tay tiện thành bộ chén trà dâng tặng cha Mị Nương. Một hôm nàng cầm chén trà trên tay. Dưới đáy nước hình bóng người lái đò năm nào chầm chậm xoay trong lòng chén. bên tai văng vẳng tiếng hát năm xưa. Một giọt nước mắt rơi xuống, chiếc chén bạch đàn vỡ tan….
Ai chưa từng chịu những mất mát, lòng chưa cứa sâu những vết đau, hằn sâu những vết thương, thì xin đừng đến với cà phê. Khi cuộc đời đã ngấm đắng cay, mặn chát, thấm nỗi đau đời, mới tìm đến Trịnh Công Sơn nương náu. Cũng như phải qua bao chìm nổi, trải qua mấy gian truân mới đau xót đến từng câu Kiều.
Mọi sự nông cạn hời hợt, nhạt nhẽo và vô vị khó ở bên ly cà phê. Đừng nghĩ rằng cà phê là để giết thời gian, làm mềm lòng . Một đời người cũng rất cần có nỗi buồn. Nếu không, làm sao hiểu niềm vui và hạnh phúc là mỏng manh và dễ vỡ đến vô cùng. Từ trong nỗi buồn đau bước ra, con người cũng cứng rắn và mạnh mẽ hơn. Làm sao biết được cà phê đã thấm qua mấy đời người dân đất Việt. Mỗi người tự tìm cho mình một triết lý riêng, một nỗi niềm riêng. Trải qua mấy chục năm, có lẽ đã lờ mờ hình thành một ” đạo” cho cà phê Viêt Nam. Đạo khó ở chữ, chẳng nói ra, không thuyết giáo, thấm sâu vào mỗi người.
ST
4.29.2015
Cà phê - Cuộc sống
Cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách.
Một nhóm sinh viên, sau khi tốt nghiệp ra trường đều có công việc tốt, rủ nhau về thăm thầy giáo cũ. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu phàn nàn về những căng thẳng trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy đi vào bếp và quay trở ra với một bình cà phê lớn cùng những chiếc tách khác nhau: chiếc bằng sứ, chiếc bằng nhựa, chiếc thuỷ tinh, chiếc bằng pha lê, có vài chiếc tách trông rất đơn giản, nhưng cũng có cái rất đắt tiền. Người thầy bảo các học trò tự chọn tách và rót cà phê cho mình.
Sau khi mỗi người đều đã có một tách cà phê, người thầy bắt đầu nói:
– Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này:
Những chiếc tách đắt tiền và đẹp đều đạ được lấy hết, chẳng ai đụng đến những chiếc tách rẻ tiền cả. Có lẽ mọi người sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn gốc của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em.
Điều mà chúng ta thực sự cần là cà phê, chứ không phải chiếc tách, nhưng ai cũng vội vàng chọn những chiếc tách tốt nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem tách của họ có đẹp hơn tách của mình không.
Bây giờ mọi người hãy suy ngẫm điều này nhé: Cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Chúng là công cụ để giữ và chứa đựng cuộc sống, và không làm thay đổi chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi, vì chúng ta cứ tập trung vào chiếc tách, mà bỏ qua việc thưởng thức hương vị cà phê mà cuộc sống cho chúng ta. Vì thế, đừng để những chiếc tách ảnh hưởng đến bạn mà thoải mái nhâm nhi cà phê của mình.
[St]
4.28.2015
Đàn bà có bùa ngải
Nghe thì chắc 1 số chị có chồng bồ bịch sẽ căng thẳng lắm! Sẽ kết luận luôn là loại đàn bà này, loại đàn bà kia
Nhưng đàn bà ai mà chẳng có bùa ngải, chẳng khác gì cốc cafe đen sánh, huyền bí mà thu hút kì lạ! Những gã đàn ông đã dính vào cafe đen thì có bao giờ thoát ra được nó! Vì nó chẳng như thuốc phiện, chẳng khiến người ta phát điên dại, chẳng biến người ta thành con thú! Nhưng nó vẫn khiến người ta cồn cào nhung nhớ.
Đàn bà bùa ngải cũng thế
Ngọt ngào – đắng ngắt – Thơm nồng nàn – Nhớ nhung đến day dứt.
– Ngọt ngào: tôi sẵn sàng cười với bất kì gã đàn ông nào, sẵn sàng săn sóc quan tâm như người thân trong nhà. Mà cũng chẳng bao giờ thôi nở nụ cười với họ. Lắng nghe mọi thứ họ nói bằng cái tâm thái khâm phục, tôn trọng, yêu quý và tin tưởng. Có mất gì đâu, đấy chẳng phải là điều họ muốn hay sao?
– Đắng ngắt: họ sẵn sàng cười với tất cả đàn ông nhưng ko bao giờ sẵn sàng lên giường với tất cả bọn họ. Họ cũng sẵn sàng rũ bỏ và quay đi trước những kẻ luỵ tình mà chẳng hề e ngại. Họ cũng chẳng bao giờ mở lòng mà chia sẽ cho ai những gì đang, đã diễn ra trong cuộc đời họ. Họ giữ một thế giới riêng cho mình
– Thơm nồng nàn: họ luôn chú ý đến vẻ bề ngoài của mình. Họ biết làm đẹp cho mình, để bất kì ai ngắm nhìn họ cũng phải trầm trồ, để bất kì gã đàn ông nào nhìn ngắm họ cũng muốn được ôm họ trong vòng tay một lần. Nhưng chẳng phải chỉ có thế, họ mạnh mẽ kì lạ, chẳng dựa dẫm vào đàn ông, họ thông minh và duyên dáng.
Một người đàn bà như thế thì chẳng khiến cho bao kê nhớ mong, mà họ cũng hoàn toàn xứng đáng để đàn ông gục trước họ.
Mà mấy cái điều ba nhăng nhít ấy, đàn bà ai chẳng làm được. Không làm bùa ngải với thiên hạ thì làm bùa ngải cho chính gã đàn ông đang ôm mình. Cần gì phải cúng bái, phải đi lên tộc xin bùa làm gì.
Nói thì nói nhiều lời, nhưng có lẽ bùa ngải chính là: ”tự yêu lấy chính mình"
ST
Cà Phê hôm nay không ngon nữa
Những ngày thiếu nắng,cái lạnh quen thuộc giữa hai lòng bàn tay không còn quen thuộc.
Cà phê lạnh vẫn uống như là một điều hiển nhiên rằng nếu không lạnh thì không còn có khái niệm cà phê. Chỉ vì không muốn uống theo cách kinh điển của những người sành cà phê, tay cầm tách cà phê nhỏ âm ấm rồi trầm ngâm trong cái mờ của sương sớm hay từng làn khói thuốc. Chẳng việc gì phải uống một cách ưu tư và người lớn như thế, cà phê với mình như cái thú vui nhỏ mỗi tối mà thiếu đi thì chỉ như ban nhạc thiếu trống, như bữa tiệc vui mà đứa bạn thân không đến. Nhưng những ngày này, uống cà phê lạnh chỉ khiến tay chân thêm quấn quýt vào nhau, chẳng còn cái nhiệt tình xem nên vừa uống vừa làm gì như mọi khi. Giờ ngồi đây và chỉ cà phê lạnh, và đâu đó cũng là một cái lạnh khó gọi tên. Thế rồi nghĩ mãi không ra, chỉ phát hiện được một điều rằng cà phê hôm nay không còn ngon nữa.
Cà phê cũng là cách kéo ngày dài hơn, cho những đêm bớt tẻ nhạt khi phải đi ngủ sớm. Nhưng đêm giờ chẳng cần cà phê cũng thật dài, dài chỉ vì giờ có đứa tha thiết ngủ thật sớm mà không làm được. Cà phê hoá ra thành cái chất thừa thãi làm tăng sự khó chịu bức bối trong những lần lăn hết tư thế này đến tư thế khác. Càng tỉnh táo càng nhận ra rằng cà phê hôm nay có cái gì đó thật khác,rất khác.
Uống cà phê, tim đập nhanh hơn. Những sự nhiệt tình cho một buổi tối không bao giờ tắt đi dù đó là một ngày mệt mỏi với đủ thứ tâm trạng và đủ thứ để mình phải vung vít sức lực. Nhưng giờ bỏ quên cho ngày trôi đi mà vẫn thấy có cái gì đó thật nặng nề kéo tuột trái tim. Một giọt cà phê biết đâu làm cho sự mong manh đó hoá thành hư không…Thế, cà phê lần nữa không còn như mọi khi.
Có khi thật thèm khóc thì uống cà phê vào, như cái mặn và cái đắng thường hay đi chung nên vừa gặp nhau là rủ nhau đi mất, cũng không vòi làm cái công việc vô ích đầy chất con gái đó nữa. Uống cà phê hoá ra giúp đứa con gái nam tính hơn, hay ít ra chỉ là trong cái hình thức như thế. Nhưng khi mà đứa con gái trở nên là đứa con gái không thể khác được thì cà phê hoá ra cũng vô nghĩa.
Cà phê đen như cái đêm lạnh không biết bao giờ mới thấy nắng ở bên kia cửa sổ. Cà phê nâu như cái sự không rõ ràng giữa đen và trắng, giữa đắng và ngọt, đúng như điều mà một đứa đang phải tìm mọi cách để tách bạch cái sự không rõ ràng ấy ra. Nhưng đã pha rồi, thì có bao giờ…
Cà phê hôm nay không còn ngon nữa. Và đôi khi viết hết một câu, người ta không biết nên đặt vào đó điều gì: dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu chấm, hay là sự bỏ lửng …
Blog Yume