4.30.2015

Trà đạo, tửu đạo, sao không cafe đạo?

Mai sau người ta chắc sẽ còn sáng chế ra không biết cơ man nào là đồ uống. Nhưng có thể nào thay thế được ba thứ đã gắn bó với con người từ thủa hoang sơ. Ấy là rượu, trà và cà phê. Người ta bảo sau khi tìm ra lửa, soi tỏ đường cho con người thoát khỏi cầm thú, thì việc làm ra rượu là cách khôn ngoan cất giấu, ủ giữ sức lửa âm ỉ dưới làn nước trong vắt. Rượu là lòng, lửa là đời. Vui có chén rượu, buồn cũng tìm đến rượu. Trà lại là tinh chất của đất trời, dồn tụ lại dâng lên từng búp lá. Nước xanh trong như mắt vịt, hơi nóng bảng lảng như sương khói. Chén trà dưỡng tâm và tĩnh trí. Chè tam rượu tứ. Quanh chén trà, ly rượu phải có bạn hiền, những người đồng cảm, đồng điệu chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và ngẫm sự đời. Trà cô đọng thành một triết lý và kết nên trà đạo.

Riêng cà phê thì nép vào một góc khuất. Từ thủa cà phê theo chân người Pháp mà sang ta, tưởng đâu chỉ dành cho người giàu, kẻ sang. Hoá ra cà phê ” tan” ngay vào đời sống bình dân. Người Hà Nội, người Sài Gòn và người lục tỉnh mới chỉ biết thưởng thức đồ uống đặc Tây ấy bằng vợt. Tức là một lúc có thể pha được dăm lạng có khi cả ký cà phê.

Cứ để nguyên trên hoả lò đỏ lửa ,hương vị ngọt ngào trùm cả một góc phố . Rồi châm ra vài chục ly, ấy là cách “quần ẩm” . Có lẽ chính cốt cách của người Việt, chậm rãi và chừng mực, không chịu được sự ồn ào, nên cà phê đã được ” lọc” qua khẩu vị mấy đời mà sinh ra một cách thưởng thức riêng. Ngấm dần qua phin, cà phê mới chắt lọc được những cốt chất tinh tuý nhất. Bên ly cà phê nhỏ giọt, gợi cho ta những nỗi vui buồn, những kỷ niệm. Gợi nhớ tới những miền suy ngẫm sâu xa. Nó tự nhiên ùa đến, như nỗi cô đơn. Khi ấy chỉ một mình mình trước ly cà phê. Một mình mình biết, một mình mình hay.

Chẳng có ai có thể suốt ngày bên ly cà phê . Nhưng một ngày làm sao thiếu nổi. Đấy là giây phút riêng mình. Tĩnh tâm, trầm ngâm, nhìn sâu vào mình. Nhìn thẳng vào nỗi cô đơn, đau buồn và thương nhớ. Bởi thế cà phê rất kỵ sự ồn ào, thái quá. Cái ấy dành riêng cho lớp trẻ. Họ trong suốt đến mức có thể nhìn xuyên qua được.

Có thể một triết lý cà phê kiểu TN?

Thời buổi hối hả thoáng qua, cái gì cũng nhanh: ăn nhanh, uống nhanh và sống nhanh. Vậy là có trà hoà tan, cà phê hoà tan 2 trong 1, 3 trong 1 cho đã khát. Chỉ xin mãi được là 1 trong 1. Một người với một người. Một người trong một người. Đừng nói gì cả, lặng im chìm trong đáy nước đen thẫm. Trong lặng im mới hiểu nhau nhiều.

Nhớ Trương Chi khi xưa, khi ôm mối tình trầm mình xuống đáy sông, hồn nhập vào cây bạch đàn. Có người thợ khéo tay tiện thành bộ chén trà dâng tặng cha Mị Nương. Một hôm nàng cầm chén trà trên tay. Dưới đáy nước hình bóng người lái đò năm nào chầm chậm xoay trong lòng chén. bên tai văng vẳng tiếng hát năm xưa. Một giọt nước mắt rơi xuống, chiếc chén bạch đàn vỡ tan….

Ai chưa từng chịu những mất mát, lòng chưa cứa sâu những vết đau, hằn sâu những vết thương, thì xin đừng đến với cà phê. Khi cuộc đời đã ngấm đắng cay, mặn chát, thấm nỗi đau đời, mới tìm đến Trịnh Công Sơn nương náu. Cũng như phải qua bao chìm nổi, trải qua mấy gian truân mới đau xót đến từng câu Kiều.

Mọi sự nông cạn hời hợt, nhạt nhẽo và vô vị khó ở bên ly cà phê. Đừng nghĩ rằng cà phê là để giết thời gian, làm mềm lòng . Một đời người cũng rất cần có nỗi buồn. Nếu không, làm sao hiểu niềm vui và hạnh phúc là mỏng manh và dễ vỡ đến vô cùng. Từ trong nỗi buồn đau bước ra, con người cũng cứng rắn và mạnh mẽ hơn. Làm sao biết được cà phê đã thấm qua mấy đời người dân đất Việt. Mỗi người tự tìm cho mình một triết lý riêng, một nỗi niềm riêng. Trải qua mấy chục năm, có lẽ đã lờ mờ hình thành một ” đạo” cho cà phê Viêt Nam. Đạo khó ở chữ, chẳng nói ra, không thuyết giáo, thấm sâu vào mỗi người.

ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét