4.22.2013

CEO FPT 'đốt tiền' công ty

Từng thất bại và gây lỗ hàng triệu USD cho công ty nhưng khi được tạo cơ hội làm lại, hai CEO không chỉ thu về số tiền đầu tư mà còn tạo doanh thu gấp nhiều lần.

Chương trình FPT Leader Talk - Chat với CEO FPT, được tổ chức tuần này gây ấn tượng mạnh với sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Buổi chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp của hai CEO trẻ là ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Giám đốc Đơn vị Phần mềm chiến lược số 1, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) ông Hoàng Việt Anh đã thu hút hàng trăm sinh viên.

Hai CEO thế hệ 7x, đang quản lý quy mô hàng nghìn nhân sự, đã chia sẻ những câu chuyện được đúc rút từ trải nghiệm thực tế của mình. Sau 10 năm làm xuất khẩu phần mềm, năm 2010, Hoàng Việt Anh có cơ hội làm việc với một ngân hàng thuộc top 25 toàn cầu. Đồng thời anh được công ty giao nhiệm vụ thành lập nhà máy Notes Compete (Global Notes Compete) với 350 lập trình viên, xây dựng sản phẩm cho các công ty lớn trên thế giới.
Lúc đầu hăm hở bước vào dự án bao nhiêu thì một năm sau anh càng chán nản bấy nhiêu. Cả một thời gian dài nhà máy không có sản phẩm. Anh em dù làm việc miệt mài nhưng chưa được đền đáp lại. Thất bại có “giá” 2 triệu USD của Hoàng Việt Anh khiến lãnh đạo FPT Software triệu tập cuộc họp gấp, với thông điệp “tồn tại hay không tồn tại” và nếu giữ lại sẽ làm như thế nào?
Hai CEO
Hai CEO đã có những chia sẻ quý báu đúc rút từ trải nghiệm thực tế của mình

Sau khi nghe anh trình bày, lãnh đạo FPT quyết định trao cho anh thêm một cơ hội sửa sai. Và cơ hội đó đã được anh tận dụng triệt để. Sau 2 năm, anh cùng cộng sự không chỉ thu về số tiền đầu tư mà còn tăng mức doanh thu lên gấp 5 lần.
Cũng từng vấp thất bại cay đắng, lỗ 1 triệu USD khi triển khai làm game online vào năm 2006, Phạm Thành Đức cũng được công ty tạo cho cơ hội làm lại. Anh quyết định sẽ đi bất cứ đâu để tìm bí quyết - một thứ rất mơ hồ làm chìa khóa thành công. Tại Trung Quốc, anh đã tìm ra game Thiên Long Bát Bộ và đưa về Việt Nam.
Game này được đánh giá thành công nhất cho FPT Online trong vài năm gần đây. “Chúng tôi cũng không rõ nếu ở công ty khác mình có cơ hội làm lại lần thứ hai hay không? FPT đã cho chúng tôi niềm tin lớn sẽ là nơi tạo điều kiện cho mọi người cơ hội và nắm bắt được để thành công”, anh Đức chia sẻ.
Chính những lần “ngã đau” đấy đã cho hai lãnh đạo trẻ nhiều bài học, để rồi sau đó họ lại trưởng thành hơn. Hiện tại, Hoàng Việt Anh đang quản lý gần 1.500 người, hoạt động tại thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á thái Bình Dương (trừ Nhật Bản). Doanh số đơn vị chiếm 37% doanh số của toàn FPT Software.
Còn Phạm Thành Đức, chỉ trong một năm nhận nhiệm vụ tại FPT Retail, số cửa hàng mở mới đã gấp 3 lần số shop mà FPT phát triển trong 5 năm trước. FPT Retail hiện có 67 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Hàng trăm sinh viên đã tham dự buổi trò chuyện của 2 CEO trẻ
Hàng trăm sinh viên đã tham dự buổi trò chuyện của 2 CEO trẻ

Lắng nghe câu chuyện này, sinh viên Phạm Văn Bách băn khoăn, vào thời điểm khủng hoảng đó, các anh có cảm xúc gì và làm thế nào để vượt qua? Cả hai CEO cho biết, họ cảm thấy buồn và mắc lỗi với đồng nghiệp vì thấy công sức của mọi người chưa được đền đáp. Khi đó, việc tạo cơ hội của FPT, ủng hộ của gia đình và quyết tâm chuyển bại thành thắng là động lực để họ thoát khỏi nỗi buồn.
Tận dụng cơ hội, học từ thất bại và không “chờ” cơ hội đến mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biết nắm bắt, tự tạo cơ hội cho chính mình chính là thông điệp mà các CEO trẻ của FPT muốn gửi tới các sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Hầu hết sinh viên đánh giá cao chương trình này, bởi nó sống động, lôi cuốn vì cách trả lời chân thật, gần gũi của diễn giả và cầu nối hết sức dí dỏm và thông minh của “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT.
“Chương trình hay và hấp dẫn từ slide giới thiệu diễn giả, cách dẫn hài hước của anh Dũng, cách trả lời của hai CEO. Qua chương trình, mình cũng rút ra được nhiều điều cho bản thân”, Phúc Thị Quỳnh Anh, khoa Kế toán, nói.
Trong 3 giờ diễn ra chương trình, các sinh viên đã lắng nghe nhiều câu chuyện từ trải nghiệm của khách mời, đặt các câu hỏi về kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để thành công cũng như cơ hội việc làm.
Trong năm 2013, Tập đoàn FPT sẽ tuyển chọn thêm 3.000 nhân sự với các đối tượng từ sinh viên thực tập tới vị trí lãnh đạo cấp cao, khối kỹ thuật, kinh tế... Trong đó, FPT Retail và FPT Software là hai đơn vị tuyển dụng nhiều nhất. Đây cũng là cơ hội, môi trường thích hợp cho nhiều bạn trẻ có thể phát huy được năng lực của mình.
Bà Trịnh Minh Châu, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, qua chương trình giao lưu trực tiếp với các CEO trẻ này, sinh viên sẽ có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. “Đây không phải là buổi nói chuyện hình thức bởi các sinh viên đã bổ sung được kỹ năng mềm và đặt vấn đề về cơ hội việc làm đối với bộ phận nhân sự của FPT”, bà cho biết.
Theo Chungta

0 nhận xét:

Đăng nhận xét