Khi các chủ quán cóc “minh bạch tài chính” cùng mức thu nhập mang về lên đến hàng chục triệu đồng/tháng thì không ít chủ DN phải giật mình. Trong khi các TCty này, DN kia thua lỗ, nợ nần dẫn đến việc hàng vạn Cty phá sản thì dường như đây là thời điểm để “kinh tế vỉa hè” phát triển.
Vốn ít, lãi “khủng”
Tại Đà Nẵng, vỉa hè lát đến đâu, quán xá mọc lên đến đó với đủ các loại hình kinh doanh từ càphê cóc, ăn sáng, ăn xế, giải khát cho đến các quán nhậu...
Điển hình là các con phố Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự, Huỳnh Thúc Kháng là phố càphê. Hay dọc các con đường mới như: Võ Văn Kiệt, Trường Sa, Hoàng Sa, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh (nối dài) là phố nhậu mọc lên tít tắp... Hay chỉ tại nút giao thông nhỏ như Lê Lợi-Pasteur (Đà Nẵng) đã có gần chục quầy bán bánh mì với thu nhập mà bất cứ giám đốc DN nào cũng mơ ước.
Anh Phan Hoài Thanh, du khách Hà Nội chia sẻ: “Vào Đà Nẵng sướng thật, chỉ đi một đoạn đường chừng trăm mét đã có đầy đủ các dịch vụ ăn uống phục vụ từ A-Z . Từ hàng ăn như bún, xôi, bánh mỳ... cho đến hàng uống như càphê, nước mía, nước dừa bán từ sáng đến chiều tối. Sáng thì điểm tâm càphê, chiều thì nhậu bình dân. Chỉ cần năm chục ngàn là có thể nhậu được, tùy món. Thú vị là tất cả đều nằm ở vỉa hè mà vỉa hè Đà Nẵng rất rộng và sạch sẽ”.
Cũng chính vì vậy mà khi các chủ quán cóc “minh bạch tài chính” cùng mức thu nhập mang về lên đến hàng chục triệu đồng/tháng thì không ít chủ DN phải giật mình.
Chị H- chủ quán bánh mỳ trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà)- cho biết, mỗi ngày quán bán ra khoảng 400-500 ổ bánh mì với giá từ 10.000-15.000đ/chiếc và chỉ bán trong vòng từ 6h đến 10h sáng. Thời gian còn lại trong ngày thì làm việc khác. Bánh mỳ thì các lò mang đến bỏ gối đầu với giá buôn từ 1.800 - 2.000đ/chiếc. Thịt quay cũng vậy, tùy thời điểm cao hay thấp mà bạn hàng bỏ với giá từ 60.000-80.000đ/kg. Và nhẩm tính, trừ hết chi phí thì mỗi ngày chị H lãi tiền triệu từ quán bánh mỳ lụp xụp này.
Ngày nào cũng là “triệu phú”!
Anh Bình- chủ một quán càphê cóc trên đường Lê Lợi- cho biết : “Em đi làm cũng nhiều Cty, nhưng Cty ít việc nên về nhà phụ mẹ bán càphê cóc. Bán hoài đâm không muốn đi làm nữa, vì không làm gì thoải mái và “sống khoẻ” như bán càphê cóc. Nếu quy ra các chỉ số sinh lời, tỉ suất lợi nhuận trên đồng vốn,... thì chẳng nghề nào lãi cho bằng nghề bán hàng ăn và càphê vỉa hè. Trừ hết chi phí thì thu nhập từ quán cóc này gấp 2-3 lần lương cử nhân của em”.
Còn anh Hưng- chủ quán nhậu trên đường mới Võ Văn Kiệt- cho biết: “Kinh tế khó khăn nên người người nhậu vỉa hè. Nhậu vỉa hè có cái thú của nó vừa bình dân, vừa rẻ mà chất lượng cũng không thua kém. Còn du khách Hà Nội thì cực thích vì nó tương đồng với văn hóa ngoài ấy.
Theo cô C- chủ quầy bánh mỳ trên đường Lê Lợi - ngày nào cũng vậy, sáng 6-9h, chiều từ 15h-19h, mỗi ngày hàng bán ra ngót nghét 3.000 chiếc bánh mỳ gà, với giá 6.000đ/chiếc. Và chỉ tính sơ bộ, mỗi chiếc lãi 500-1.000đ/chiếc thì quả thật ngày nào cũng là triệu phú. Theo các “chủ DN vỉa hè”, kinh tế càng khó thì dịch vụ vỉa hè càng trở nên hút khách. Văn hóa vỉa hè gần tương đồng với văn hóa, sinh hoạt của du khách nên khi Đà Nẵng là điểm đến thì “kinh tế vỉa hè” lên ngôi.
Theo Lao động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét