Cà phê và chồn, thoạt nghe chẳng thấy có mối liên quan gì với nhau cả nhưng chính sự kết hợp tuyệt vời giữa chúng lại tạo nên một “huyền thoại” về loại cà phê với hương vị độc đáo, quý hiếm vô cùng. Nếu có một thứ được cho là "huyền thoại" về cà phê thì chắc hẳn đó phải là cà phê CHỒN!
Cà phê chồn hay còn gọi là Kopi Luwak là một loại cà phê rất đặc biệt, được xếp vào hàng “cực phẩm” trong giới cà phê và cũng là loại đồ uống hiếm có và đắt đỏ nhất trên thế giới.
Nó có lịch sử lâu đời từ hàng trăm năm trước khi vào khoảng đầu thế kỉ 18, những người Hà Lan đã đem cây cà phê du nhập vào các nước thuộc địa của họ trong đó có đảo Java và Sumatra của Indonesia.
“Kopi” trong tiếng Indonesia có nghĩa là cà phê còn “Luwak” là tên một vùng thuộc hòn đảo Java của Indonesia đồng thời là tên một loài cầy cư trú tại đây. Kopi Luwak được dùng để chỉ một loại hạt do loài cầy này ăn quả cà phê rồi thải ra.
Loài cầy vòi đốm là loại động vật có vú nhỏ sống phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á như: Indonesia, Philippines, Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Thức ăn ưa thích của chúng là quả cà phê nên chúng thường trèo lên các cây cà phê và chọn ăn những trái đỏ nhất, chín nhất.
Nhưng dạ dày của chúng chỉ tiêu hóa được phần thịt bên ngoài của quả cà phê nên sau đó đã thải những hạt cà phê ra cùng với phân của chúng. Người dân nơi đây sẽ đi thu lượm phân có lẫn hạt cà phê của loài cầy này.
Những người đã trải nghiệm loại cà phê này nhận xét cà phê chồn có vị thơm ngon đặc biệt và là sự hòa quyện của rất nhiều hương vị. Nó được miêu tả là có "mùi mốc" rất hấp dẫn, ngọt ngào như: sirô, hương vị đậm đà và thoang thoảng vị caramel và sôcôla, đắng nhưng rất dễ chịu.
Nghe đã thấy ấn tượng rồi nhỉ, vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó?
Điều đặc biệt trước tiên nằm ở sự lựa chọn của con chồn. Chúng chỉ chọn ăn những quả chín nhất, ngon nhất đồng nghĩa với việc hạt cà phê đã được bảo đảm chất lượng ngay từ khâu tuyển chọn đầu tiên và người "bỏ công" tuyển chọn không ai khác chính là những chú chồn.
Nhưng điểm mấu chốt quyết định là nhờ sự tác động của các enzym tiêu hóa trong dạ dày của chồn đã làm thay đổi các phân tử bên trong của hạt cà phê. Hạt cà phê trở nên cứng hơn, giòn hơn, ít protein hơn, điều này làm cho độ đắng của hạt cà phê giảm đi, tạo ra một hương vị mạnh hơn bởi lẽ protein làm cho cà phê trở nên đắng hơn trong quá trình rang.
Các enzym tiêu hóa này cũng tác động đến cấu trúc hương làm mùi hương của cà phê chồn đậm đà hơn và phảng phất mùi sôcôla. Đây là kết quả tổng hợp theo nghiên cứu của giáo sư Massimo Marcone, ngành Khoa học Thực phẩm, Trường Đại học Guelph, Canada.
Nghe thì ngon lành vậy đấy nhưng dù sao thì vẫn thấy ghê ghê nhỉ, liệu nó có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không? Bạn hãy yên tâm vì hạt cà phê đã được qua những công đoạn xử lý, chế biến cẩn thận và hoàn toàn bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét